Những vấn đề thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long (Phần 1)

Sự hình thành của hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông cửu long hiện nay

Có thể nói, hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) được bắt đầu xây dựng chỉ vài tháng sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào tháng 4 năm 1975. Hệ thống thủy lợi này được đoàn Quy hoạch Thủy lợi ÐBSCL, được gọi tắt là đoàn Quy hoạch Cửu 3ong (ÐQHCL), đề nghị để “thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chánh trị to lớn” là biến tất cả đất đai có thể trồng trọt còn lại ở ÐBSCL thành ruộng lúa có thể trồng nhiều vụ một năm, nhằm đạt chỉ tiêu 20 triệu tấn lúa/năm trong kế hoạch ngủ niên 1975 – 1980.

– ÐQHCL là một trong các đoàn quy hoạch, gồm một số chuyên viên thủy lợi “được đánh giá là ưu tú” của miền Bắc, được đưa vào miền Nam để khảo sát, nghiên cứu và thiết lập kế hoạch khai thác tiềm năng thủy lợi ở miền Nam. Mỗi đoàn phụ trách một vùng hoặc một lưu vực sông. Mặc dù khả năng và kinh nghiệm chuyên môn của thành viên trong đoàn rất hạn chế, nhưng họ lại rất tự hào về “khả năng chiến đấu và chiến thắng,” nên họ đã không cần nghiên cứu và tìm hiểu những đặc tính phức tạp của ÐBSCL, một đồng bằng có đặc tính hoàn toàn khác với Ðồng bằng sông Hồng (ÐBSH). Họ cũng không để ý đến các ý kiến của chuyên viên thủy lợi của miền Nam và rất nghi ngờ kết quả nghiên cứu của các cơ quan hoặc công ty cố vấn quốc tế. Họ vẫn dùng các nguyên tắc trị thủy được áp dụng ở ÐBSH từ bao đời.

– Nguyên tắc trị thủy ở ÐBSH đã có từ ngàn xưa và được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi, nhất là ở Trung Hoa. Nguyên tắc này có thể gọi là nguyên tắc đào đấp, vì chỉ cần đào kinh để dẫn nước và đấp đê để chận nước. Ở ÐBSH, một hệ thống đê điều kiên cố được đấp dọc theo bờ sông để ngăn chận nước lũ, và một hệ thống kinh được đào để dẫn nước sông vào nơi thiếu nước ngọt để thâm canh tăng vụ trong mùa khô. Ngoại trừ việc đáy sông Hồng bị bồi lắng và đất đai bạc màu vì thiếu phù sa, nguyên tắc này tỏ ra có hiệu quả ở ÐBSH; nhưng nó không thể áp dụng ở ÐBSCL vì đồng bằng này có đặc tính hoàn toàn khác với ÐBSH.

– Dựa theo nguyên tắc này, “… ta đấp đê, xây đập hoặc cống ngăn mặn dọc theo duyên hải và dọc theo sông ở hạ lưu thường bị nước mặn xâm nhập; dọc theo hai bờ sông Cửu Long, nơi nước lụt chảy tràn bờ, ta đấp đê ngăn lũ, xây các công trình lấy nước; nơi nào không có nước ngọt để thâm canh tăng vụ, ta đào kênh dẫn nước sông Cửu Long vào, nếu nước không tự chảy, ta xây dựng trạm bơm điện; nơi nào bị úng, ta thực hiện các công trình tiêu úng, chống úng.” Hàng loạt công trình thủy lợi đã được thực hiện một cách ồ ạt trong đó có nhiều công trình chưa có “thiết kế.” Tính đến năm 1979 mà thôi, “…khối lượng đất được đào đấp đã lên đến con số chục triệu m3; hàng trăm đập, cống ngăn mặn; hàng trăm cây số đê ngăn mặn, ngăn lũ; hàng chục trạm bơm điện; hàng trăm cây số kênh đào lớn nhỏ.” Khối lượng công trình được thực hiện từ 1975 đến 1979 đã vượt gấp nhiều lần so với tổng số khối lượng được thực hiện trước năm 1975 (12).

– Hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực về mặt thủy học ngay trong trận lụt năm 1978. Mặc dù mực nước sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Ðốc chưa vượt quá mức kỷ lục trong trận lụt 1961 và 1966, diện tích ngập của trận lụt 1978 trải rộng hơn, và thời gian ngập kéo dài hơn so với hai trận lụt lịch sử này. Ảnh hưởng tiêu cực này lại tái diễn trong trận lụt năm 1984, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức để thuyết phục những người có trách nhiệm trong việc quy hoạch thủy lợi lúc bấy giờ.

– Vào năm 1987, qua dự án VIE/87/031, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ủy ban Quốc tế Mekong Lâm thời (Interim Mekong Committee), và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Programme (UNDP)) đã tài trợ việc soạn thảo một kế hoạch tổng thể (master plan), trong đó có hệ thống thủy lợi cho ÐBSCL, do hai hãng Kỹ sư cố vấn Netherlands Engineering Consultants (NEDECO) của Hòa Lan và Rhein- Ruhr Ingenieor-Gesellschaft (RRIG) của Ðức phụ trách. Nhưng trên thực tế, hai hãng kỹ sư cố vấn này chỉ dựa theo chủ trương và chánh sách do nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra mà thôi. Thí dụ như Phân viện Khảo sát Quy hoạch Thủy lợi Nam Bộ (PVKSQHTLNB), là hậu thân của ÐQHCL, đã yêu cầu NEDECO và RRIG đưa vào kế hoạch tổng thể ÐBSCL tất cả 45 công trình thủy lợi do họ nghiên cứu trước đây, mà hầu hết là đào kinh và đấp đê, nhằm bảo đảm cho việc trồng lúa trong 10-15 năm sắp tới (14). Thậm chí có nhiều phần trong kế hoạch được giao cho chuyên viên trong nước soạn thảo và viết phúc trình. Cho nên, hệ thống thủy lợi trong Kế hoạch Tổng thể ÐBSCL do NEDECO và RRIG soạn thảo chỉ “hợp thức hóa” cái hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL do ÐQHCL đưa ra trước đó mà thôi.

– Chính vì lý do đó mà ảnh hưởng tiêu cực của hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Sau một loạt các trận lụt xảy ra liên tiếp vào năm 1991, 1994, và 1995; hệ thống được điều chỉnh và được chánh phủ phê duyệt qua quyết định số 99/TTg của Thủ tướng ngày 9 tháng 2 năm 1996 nhằm nạo vét sâu hơn, đào nhiều kinh hơn, đấp đê bao nhiều và cao hơn, và đấp đê và cống ngăn mặn nhiều hơn. Kết quả là nước lũ nội đồng trong trận lụt 1996 ở vùng Ðồng Tháp Mười (ÐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã phá kỷ lục. Sau trận lụt 1996, hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL lại được điều chỉnh một lần nữa, và như chúng ta đã biết, trận lụt năm 2000 đã trở thành một trận lụt lịch sử, mặc dù mực nước tại Tân Châu và Châu Ðốc vẫn thấp hơn mực nước của hai trận lụt 1961 và 1966.

– Mãi đến năm 1999, những người có trách nhiệm trong việc quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL và các cơ quan chức năng ở Việt Nam mới chánh thức công nhận các tác hại của hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL.

– Chính PVKSQHTLNB đã thừa nhận rằng, “Trong hai thập kỷ vừa qua con người đã tác động mạnh mẽ lên vùng ngập lụt của châu thổ sông Mekong. Nhiều kênh mới đã được đào, nhiều kênh cũ đã được nạo vét, mạng lưới kênh cấp II ngày càng được đan dày đã làm tăng khả năng chuyển lũ qua các vùng ngập. Mặt khác các hệ thống giao thông đường bộ cũng được đan dày và tôn cao nhưng khẩu độ cầu cống chưa đủ đã làm ách tắc việc thoát lũ, làm dâng mực nước lũ một số vùng, trong đó đáng chú ý ở vùng ÐTM và TGLX của Việt Nam”. Nhưng họ vẫn tiếp tục khẳng định rằng nguyên tắc trị thủy đang được áp dụng là đúng. Họ lập luận rằng kinh đào không đủ rộng và sâu để thoát nước lũ và hệ thống đê bao và đường giao thông không đủ cao để ngăn chận nước lũ nên trận lụt năm 2000 mới gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

– Lập luận này được thể hiện trong Phúc trình Phân tích Phân vùng 10V, Kế hoạch Phát triển Lưu vực (Report Analysis of Sub-Area 10V, Basin Development Plan) được PVKSQHTLNB và Ủy ban Quốc gia sông Mekong/Việt Nam công bố vào tháng 11 năm 2003. Phúc trình này, nằm trong khuôn khổ của chương trình soạn thảo một kế hoạch phát triển hạ lưu vực sông Mekong do Ủy hội sông Mekong thực hiện, bao gồm các công trình thủy lợi đáng chú ý như xây 74 km đê biển Rạch Giá – Hà Tiên có cao độ +2,0 m; nạo kinh Vĩnh Tế đến cao độ -3,0 m và xây đê ngăn lũ trên bờ nam; nạo kinh Tân Thành – Lò Gạch đến cao độ -3,0 m và xây đê ngăn lũ có cao độ từ +5,5 đến +6,5 m trên bờ nam; nạo các kinh 2/9, 79, Kháng Chiến, Bình Thạnh, Thống Nhất, Sông Trăng, và An Phong – Mỹ Hòa – Năm Ngàn – Bắc Ðông đến cao độ -3,0 m; nạo kinh Ðồng Tiến – Lagrange đến cao độ -3,5 m; và nạo kinh Hồng Ngự đến cao độ -4,0 m.

Những vấn đề thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long (Phần 1): Sự hình thành của hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông cửu long hiện nay, Nguồn: Nguyễn Minh Quang, P.E. – Tháng 9 năm 2006.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *