Nỗi lo tôm Thẻ xâm nhập vùng nước ngọt

Với nhiều ưu điểm vượt trội cùng với giá bán tốt và sự khó khăn trong việc nuôi các đối tượng nước ngọt khác, tôm thẻ chân trắng đang dần chiếm ưu thế và chuẩn bị “xâm nhập” vào vùng nước ngọt. Các nhà khoa học quan ngại rằng, việc làm này có thể hủy hoại môi trường. Trước tình hình nuôi tôm thẻ phát triển rầm rộ như hiện nay, Ban Lãnh đạo hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang bắt đầu quản lý nghiêm ngặt việc phát triển tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Một số hộ sau khi thu hoạch vụ đầu tiên đã tự chuyển sang nuôi các vật nuôi khác phù hợp hơn. Thế nhưng, vẫn còn nhiều hộ lén lút tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng vì lợi nhuận cao.

1. Ưu điểm việc chọn nuôi tôm thẻ
– Ngoài ưu điểm về chu kỳ nuôi ngắn, sản lượng và năng suất cao, tôm thẻ chân trắng còn có khả năng chịu được độ mặn thấp khá tốt, điều này đã mở ra một đối tượng nuôi mới cho người nuôi thủy sản nước ngọt.

thu hoach tom the

– Tận dụng đặc điểm này, người nuôi hiện nay có hai phương pháp để nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt. Một là khoan giếng lấy nước mặn, còn ở những nơi không có nước giếng mặn thì nông dân mua nước ót (phần dung dịch còn lại trên ruộng muối sau khi muối đã kết tinh) về pha với nước ngọt để nuôi. Cả hai cách làm trên đều tạo ra môi trường nước có độ mặn vừa đủ cho tôm thẻ chân trắng có thể sống và phát triển.

– Nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt có rất nhiều lợi thế so với nuôi ở nước mặn, quan trọng nhất là ít có mối nguy về dịch bệnh, do nguồn nước trong vùng nước ngọt không có sinh vật gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng. Đối với người nuôi tôm thì loại trừ được dịch bệnh được xem như đã nắm chắc 80% phần thắng. Ngoài ra, thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn (3 tháng), giá bán lại tốt hơn nhiều so với nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt, nhất là cá tra hay cá lóc.

2. Nỗi lo từ nuôi tôm thẻ
– Lợi thì có thấy, thế nhưng việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt không hoàn toàn chỉ có ưu điểm. Đối với những ao chuyển từ nuôi cá tra sang nuôi tôm là không dễ dàng. Ao nuôi cá tra đa số có độ sâu trên 3 m trong khi nuôi tôm chỉ cần mức nước 1,6 m là phù hợp. Do đó, những ao lựa chọn nuôi tôm thẻ chân trắng thường là những ao ương cá tra do độ sâu phù hợp và diện tích vừa phải, dễ quản lý. Dù được xem là đối tượng nuôi có sức khỏe tốt, tuy nhiên nếu so với cá tra thì tôm thẻ chân trắng vẫn nhạy cảm về môi trường hơn rất nhiều, đòi hỏi nông dân có một quy trình nuôi hoàn toàn khác, chăm sóc kỹ càng hơn.

tom the dong thap

– Muốn con tôm phát triển thì ngoài việc cho ăn đầy đủ, môi trường nước phải có đủ khoáng chất để tôm có thể lột xác. Tuy nhiên, trong nguồn nước độ mặn thấp thì chất khoáng rất hạn chế. Vì vậy, bổ sung khoáng chất là điều bắt buộc.

– Ngoài ra, một vấn đề rất lớn nữa là hiện tượng “xâm nhập mặn”. Việc đưa nước mặn nuôi tôm vào vùng nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến đất đai, cây trồng như thế nào là điều cần phải làm rõ. Thêm nữa, việc phát triển ồ ạt tôm thẻ chân trắng trên diện tích nước ngọt không theo quy hoạch cũng không phải là cách làm bền vững.

3. Cách tháo gỡ
– Theo nhiều chuyên gia, việc tìm mọi cách biến nước ngọt thành nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường đối với môi trường sinh thái. Do vậy hiện nay, nhiều tỉnh, thành cũng đã triển khai giải pháp nhằm hạn chế phần nào những tác động xấu từ tình hình này.

– Trước thực trạng trên vừa qua Ban Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, ban ngành để tìm giải pháp ngăn chặn việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở địa phương. Các cơ quan chức năng cho rằng, nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng Tháp sẽ tác động xấu đến môi trường đất trồng lúa, chất lượng nguồn nước ngọt thiên nhiên và nguy cơ gây ô nhiễm tầng nước ngầm rất cao… Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh không khuyến khích việc nông dân chuyển đổi sang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có biện pháp nghiêm cấm việc khai thác nước ngầm tầng mặn phục vụ mọi hoạt động sản xuất trên địa bàn nhằm bảo vệ môi trường. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương vận động nông dân không đầu tư nuôi mới. Đối với những diện tích đã thả giống nuôi hiện tại, nên kết thúc hoạt động nuôi ngay sau đợt thu hoạch tôm”.

– Ở Cà Mau, UBND tỉnh cũng vừa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau khẩn trương có biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa để nuôi tôm. Cụ thể, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức của người dân về tác hại của nước mặn xâm hại vùng ngọt hóa, công khai quy hoạch để người dân hiểu, tự giác chấp hành thực hiện. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, trong đó sẽ kiểm điểm xử lý lãnh đạo địa phương nào thờ ơ để cho người dân đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa.

Nỗi lo tôm thẻ xâm nhập vùng nước ngọt, Nguồn: Thủy sản Việt Nam.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *