Mỹ thiết lập chương trình giám sát cá da trơn: Doanh nghiệp lo xuất khẩu bị gián đoạn

Ngày 02/12, Cơ quan giám sát An toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) ban hành quy định về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá da trơn và cá tra của Việt Nam. Các quy định này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất khẩu cá da trơn vào thị trường Mỹ.

1. Xuất khẩu cá da trơn càng khó
– Quy định trên được triển khai theo yêu cầu của Luật Nông nghiệp 2014 của Hoa Kỳ và áp dụng đối với tất cả các loài cá thuộc bộ Siluriformes, bao gồm cá tra, cá ba sa của Việt Nam nuôi trồng nội địa và nhập khẩu. Quy định này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 3.2016.

– Theo đó Hoa Kỳ sẽ áp dụng quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đối với cá tra và cá ba sa của tất cả các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn phải tương đương với tiêu chuẩn mà Hoa Kỳ đang áp dụng. Hoa Kỳ cũng sẽ thay đổi thẩm quyền giám sát các sản phẩm cá tra, cá ba sa từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cho Cục Kiểm dịch, Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS).

– Trong giai đoạn chuyển giao thẩm quyền giám sát cho FSIS, Hoa Kỳ sẽ có giai đoạn chuyển đổi trong vòng 18 tháng, tính từ tháng 3.2015. Như vậy, trước thời điểm này, các nước hiện đang xuất khẩu sản phẩm da trơn vào Hoa Kỳ, nếu có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cần phải cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện đang xuất khẩu kèm các văn bản để chứng minh thẩm quyền được xuất khẩu cũng như tuân thủ theo những quy định nhập khẩu hiện hành của FDA.

– Trong 18 tháng chuyển đổi, FSIS sẽ tiến hành tái giám sát và lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất 1 lần/quý tại cơ sở nhập khẩu của Hoa Kỳ để giám định về chủng loại cá cũng như dư lượng hóa chất có trong các lô hàng. Sau khi kết thúc thời gian chuyển đổi 18 tháng này, các nước muốn tiếp tục xuất khẩu phải nộp tiếp hồ sơ để Hoa Kỳ xem xét tiêu chuẩn tương đồng.

2. Doanh nghiệp có thể khởi kiện
– Trước thực trạng trên, ông Võ Hùng Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra VN – cho biết, các DN đang xem xét, nếu có dấu hiệu tạo “rào cản”, phía Việt Nam có thể khởi kiện. Tuy nhiên, việc khởi kiện cần phải tính toán, xem xét nhiều khía cạnh, kể cả tham vấn luật sư, và phải được xem xét, cân nhắc kỹ ở cấp cao nhất. Một cơ hội là hiện tại Mỹ chưa đưa ra tiêu chuẩn mới, nên trong thời gian này các DN Việt Nam cần nâng cấp chất lượng nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu để theo kịp yêu cầu của Hoa Kỳ.

– Mặt khác, hai bên cũng cần trao đổi để Hoa Kỳ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu cá tra, cá ba sa Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đạo – Tổng GĐ Cty CP Gò Đàng, một trong những DN chế biến, xuất khẩu cá tra lớn ở tỉnh Tiền Giang – chia sẻ: “Việc cá tra Việt Nam vốn có giá phải chăng, chất lượng tốt, được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, vào thị trường Mỹ ngày càng nhiều, đã làm cho nông dân nuôi cá da trơn của Mỹ không cạnh tranh được và họ đã gây áp lực lên chính quyền để được bảo hộ. Các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam vốn đã quen với những rào cản như thế, lần này cũng sẽ nỗ lực để vượt qua”.

– Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết: Từ nay đến thời điểm kết thúc chuyển đổi, hai nước sẽ phải ngồi lại xem xét các tiêu chí tương đồng để có thể tháo gỡ. Nếu không, cá da trơn Việt Nam khó có điều kiện vào được thị trường Mỹ. Do vậy, các đơn vị chuyên môn rà soát, đối chiếu thật cụ thể, chi tiết để xem giữa quy định của chúng ta đang áp dụng còn chỗ nào chưa phù hợp, chưa tương đồng, còn “vênh” với quy định mới của Hoa Kỳ để điều chỉnh.

– Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: Quy định mới của Hoa Kỳ không chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam mà đối với tất cả các nước xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào nước này. Do thời gian mà Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp nên sẽ gây khó khăn cho DN xuất khẩu cũng như hệ thống quản lý nhà nước của Việt Nam. Bộ NNPTNT cũng đã có những thảo luận trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

– Trước mắt từ nay đến ngày 02/3/2016, Bộ NNPTNT phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ phải gửi cho Mỹ danh sách các DN có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào Mỹ, cũng như cung cấp các thông tin cho Mỹ về các hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ.

Mỹ thiết lập chương trình giám sát cá da trơn: Doanh nghiệp lo xuất khẩu bị gián đoạn, Nguồn: Khánh Vũ – Trung Ngôn – Báo Người Lao động Số 283.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *