Lợi ích từ chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Chế phẩm sinh học làm việc theo 3 quá trình: khống chế sinh học; tạo ra sự sống; xử lý sinh học. Tác động tương hỗ của 3 quá trình này mang lại lợi ích rất lớn cho nghề nuôi tôm.

1. Phòng ngừa dịch bệnh
– Quá trình khống chế sinh học là những dòng vi khuẩn có ích tác động đối kháng lên dòng vi khuẩn gây bệnh. Những dòng vi khuẩn có lợi sẽ lấn át, kìm chế sự phát triển của sinh vật có hại. Bên cạnh đó, quá trình tạo ra sự sống, các vi khuẩn có lợi sẽ phát triển trong nước hoặc cơ thể tôm.

– Khi vi khuẩn có lợi phát triển với số lượng lớn trong đường ruột sẽ giúp tôm tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn, lấn át hoặc tiêu diệt vi khuẩn có hại cho đường ruột gây bệnh phân trắng, sưng ruột, ruột vàng… hay vi khuẩn có lợi phát triển nhiều trong nước ao sẽ hạn chế các bệnh phát sáng, đóng rong nhớt.

– Quá trình xử lý sinh học, vi khuẩn có ích sẽ phân hủy chất hữu cơ, vô cơ có hại trong nước ao, như nitrite, nitrate… làm cho chất lượng nước tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho tôm.

– Chế phẩm sinh học có tác dụng ngăn ngừa nguồn gây bệnh hơn là trị bệnh. Tuy nhiên, sử dụng chế phẩm sinh học sẽ hạn chế được việc sử dụng kháng sinh, hóa chất độc, tạo ra sản phẩm an toàn, có tính bền vững cao.

2. Kích thích tôm phát triển
– Thức ăn thường chiếm 50 – 60% chi phí nuôi tôm. Để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, nhiều dòng vi khuẩn có ích được đưa vào cơ thể tôm, giúp tiêu hóa thức ăn, hấp thụ dinh dưỡng, hạn chế độc tố, ức chế vi khuẩn có hại, bảo vệ sức khỏe tôm nuôi.

– Chế phẩm sinh học được khuyến cáo sử dụng trong mọi giai đoạn của nghề nuôi tôm, từ sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm. Điều này giải thích tại sao những con giống được sản xuất dựa trên nền tảng sử dụng chế phẩm sinh học có tỉ lệ sống và sức tăng trưởng cao hơn những con giống bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng kháng sinh hay chất hóa học khác.

– Trong giai đoạn đầu khi tôm mới thả nuôi sức đề kháng yếu, hệ sinh vật ít thì việc bổ sung các “lợi khuẩn” cho tôm, nhất là cho đường ruột rất quan trọng. Các vi khuẩn có ích còn tiết ra các enzym có khả năng phân tách các đa chất thành đơn chất, giúp tôm dễ hấp thụ dinh dưỡng, chống rối loạn tiêu hóa.

3. Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, chất độc trong ao
– Chế phẩm sinh học trong nuôi tôm có vai trò quan trọng, phân hủy các chất hữu cơ và làm giảm đáng kể lớp bùn nhớt, giảm mùi hôi của nước trong ao.

– Có thể sử dụng chế phẩm sinh học từ giai đoạn cải tạo ao nuôi, trong suốt quá trình nuôi. Bên cạnh đó, chế phẩm sinh học có tính tương thích cao, sử dụng hiệu quả đối với nhiều hình thức nuôi tôm khác nhau, từ quảng canh đến thâm canh, siêu thâm canh, nuôi raceway (nước chảy)…

– Các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm sinh học không chỉ phân hủy sinh học các chất thải hữu cơ, giảm khí độc mà còn giảm được vi khuẩn gây bệnh, xạ khuẩn bằng cách tiêu thụ hết thức ăn của chúng. Đây là một lợi thế sinh học đặc biệt của chế phẩm sinh học, bởi thông thường nếu sử dụng kháng sinh, hóa chất để tiêu diệt vi khuẩn có hại sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ sinh vật có lợi trong ao tôm.

– Hiệu quả của một chế phẩm sinh học được đánh giá theo số lượng vi khuẩn có ích trong 1 đơn vị khối lượng, khả năng vi khuẩn sống lại, số lượng vi khuẩn sống lại và thời gian vi khuẩn tái hoạt động khi được đưa vào ao nuôi tôm. Bên cạnh đó, để chế phẩm sinh học đạt hiệu quả cao, cần lưu ý một số yếu tố: tình trạng chất lượng nước, thời điểm, liều lượng… khi sử dụng.

Lợi ích từ chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, Nguồn: Báo Phú Yên.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *