Lận đận xuất khẩu cá tra

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT trong tháng 2/2016, giá trị XK thủy sản ước đạt 466 triệu USD, đưa giá trị XK thủy sản hai tháng đầu năm 2016 đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Tình hình chung XK thủy sản hai tháng đầu năm tăng trưởng. Tuy nhiên, cá tra vốn là sản phẩm chủ lực trong XK thủy sản của Việt Nam, thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn, kéo giá cá tra nguyên liệu tại thị trường nội địa giảm sâu với mức giảm thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Giá thấp nhất kể từ 2010

Theo Bộ NN&PTNT, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong những ngày đầu tháng 2/2016 đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay. Hiện, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ được DN chế biến XK mua vào chỉ 18.000 – 18.500 đồng/kg (tùy loại), giảm khoảng 5.500 – 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là mức giá thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2010 đến nay. Với mức giá như hiện nay, mỗi kg cá tra, người nuôi chịu mức lỗ khoảng 4.000 – 4.500 đồng.

Sản xuất cá tra vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do giá cá tra nguyên liệu giảm, người nuôi bị lỗ nặng. Sản lượng thu hoạch cá tra hai tháng đầu năm 2016 của các tỉnh ĐBSCL ước đạt 114.216 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ. Trong đó, một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể, như: Bến Tre 14.460 tấn (giảm 17%), Đồng Tháp 27.713 tấn ( giảm 43%), An Giang 32.785 tấn ( giảm 13%).

Nguyên nhân giá cá tra nguyên liệu thấp ở mức kỷ lục trong 6 năm được các chuyên gia đánh giá là do XK cá tra gặp nhiều khó khăn do phải chịu tác động bởi thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Mặt khác, tâm lý ảnh hưởng bởi đạo luật Farm Bill của Mỹ có thể tạo hàng rào kỹ thuật mới với cá tra Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nước NK cá tra của Việt Nam như Trung Quốc, châu Âu…, phá giá mạnh đồng tiền, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu khiến cho XK của Việt Nam gặp khó.

Khó khăn trong XK sản phẩm cá tra còn được dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2016. Tình hình XK cá tra năm 2016 được Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo sẽ chỉ đạt ở mức 1,5 tỷ USD, giảm khoảng 5% so với năm 2015.

Ngoài khó khăn đến từ thị trường Hoa Kỳ, cá tra Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản thịt trắng được nhiều người tiêu dùng tại các thị trường XK khác lựa chọn thay thế cá tra như cá tuyết, cá rô phi, cá minh thái.

Trong hàng loạt khó khăn mà XK cá tra được cảnh báo phải đương đầu, tâm điểm được dồn vào thị trường Hoa Kỳ. Dù TPP được ký kết hứa hẹn nhiều cơ hội mở cho XK nông sản Việt Nam, nhưng cánh cửa thị trường Hoa Kỳ càng trở nên hẹp hơn với cá tra Việt Nam.

Bên cạnh việc vừa phải chống đỡ với thuế chống bán phá giá, vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ cá rô phi đến từ Trung Quốc, tại thị trường Hoa Kỳ, các DN Việt Nam còn hoang mang khi ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ra thông báo quyết định triển khai Chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Khó ở thị trường Hoa Kỳ

Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016. Cũng kể từ thời điểm có hiệu lực sẽ là mốc thời gian đánh dấu giai đoạn chuyển đổi 18 tháng (đến 31/8/2017) để các nước XK điều chỉnh hệ thống sản xuất trong nước cho phù hợp với quy định mới của Hoa Kỳ để được cấp chứng nhận tương đương và duy trì XK cá da trơn vào thị trường này.

Quyết định này được đánh giá là được đưa ra và có hiệu lực trong thời gian quá gấp gáp gây hoang mang cho các DN XK cá tra sang thị trường Hoa Kỳ. Điều này báo hiệu nhiều thách thức cho việc XK cá tra vào thị trường này thời gian tới.

Với quyết tâm không để gián đoạn XK cá tra tại Mỹ, trong tháng 2, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn sang Hoa Kỳ để làm việc với USDA và các cơ quan liên quan để thảo luận chi tiết, làm rõ những khác biệt trong cách hiểu, áp dụng và công tác chuẩn bị của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu mới trong Bộ quy định cuối cùng để Hoa Kỳ cấp chứng nhận tương đương.

Về phía Hoa Kỳ, USDA cam kết không làm gián đoạn XK sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam và bày tỏ thiện chí mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong quá trình thực thi Bộ quy định.

Nhiều chuyên gia nhận định, dù khó khăn thị trường Hoa Kỳ được giải quyết nhưng về lâu dài ngành cá tra vẫn cần có sự thay đổi nội tại mới có khả năng cạnh tranh được. Lạm dụng kháng sinh trong thủy sản, chất lượng không đảm bảo vẫn là yếu điểm của thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, ngày nay các thị trường NK ngày càng quy định khắt khe hơn về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong khi đây lại là điểm yếu của Việt Nam.

Ông Ngô Văn Ích – Chủ tịch VASEP, nhận định việc sản xuất thủy sản theo chuỗi từ trại giống, vùng nuôi, hệ thống xử lý nước tới nhà máy chế biến… hiện vẫn chưa chặt chẽ, thậm chí bị “thả nổi”. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hàng thủy sản XK. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cấp chất lượng sản xuất chứ không phải chỉ tính việc kéo dài thực hiện tiêu chuẩn VietGap như hiện nay vì đây là tiêu chuẩn của Việt Nam, so với chuẩn nước ngoài vẫn còn khoảng cách.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Phó Chủ tịch VASEP, nhấn mạnh khi các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến trong nước đủ đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế thì các quy định riêng lẻ của các quốc gia khác là không đáng lo ngại. Điều lo nhất chỉ là khâu quản lý của chúng ta chưa hoàn thiện, dẫn đến việc không bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

Lận đận xuất khẩu cá tra, Nguồn Báo VFPRESS

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *