Kỹ thuật nuôi cá Bống Tượng trong ao đất

I. Đặc điểm sinh học
– Cá Bống Tượng (Oxyeleotris marmorata Bleeker, 1895): là loài đặc trưng của vùng nhiệt đới, phân bố rộng ở Việt nam, Thái lan, Malaysia, Brunei, Lào, Sumatra, Campuchia.

– Ở Việt nam cá xuất hiện ở hệ thống sông Cửu Long, Đồng nai, Vàm Cỏ. Trong tự nhiên cá phân bố khắp các loại thủy vực: sông, rạch, mương bao, ruộng…

– Cá Bống Tượng là loài cá dữ, ăn tạp thiên về động vật. Thức ăn chủ yếu: cá, tôm, tép, cua, ốc…có tập tính rình bắt mồi, ăn mạnh về đêm hơn ngày, nước rong ăn mạnh hơn nước kém, không thích ăn thức ăn ươn thối.

– Cá Bống tượng có tốc độ tăng trưởng chậm từ giai đoạn cá dưới 100g, từ 100g trở lên tăng trưởng nhanh hơn. Trong tự nhiên cá sau khi nở cần khoảng 1 năm để có thể đạt cỡ từ 100 – 300g/con. Để có cá thương phẩm 400g trở lên, cá giống có trộng lượng 100g phải nuôi ở ao từ 5 – 8 tháng.

– Cá Bống Tượng sinh sản lần đầu sau 9 – 12 tháng tuổi. Mùa sinh sản tự nhiên kéo dài từ tháng 03 – 11, tập trung từ tháng 5 – 8 dương lịch.

– Đặc điểm môi trường:
+ pH: cá sống thích hợp ở môi trường nước không bị nhiễm phèn, pH = 7, song chúng có thể chịu đựng pH = 5. pH = 6,5 – 8 là thích hợp nhất cho cá phát triển.
+ Nhiệt độ: nhiệt độ thích hợp nhất cho cá phát triển 26 – 32 độ C, cá cũng có thể chịu đựng nhiệt độ nước 15 – 41,5 độ C.
+ Cá sống ở nước ngọt, song có thể chịu đựng đến độ muối 15 0/00¬.
+ Cá cần có dưỡng khí trên 3mg/l, song cá có thể chịu đựng trong môi trường dưỡng khí thấp vì cá có cơ quan hô hấp phụ.

II. Kỹ thuật sản xuất giống
2.1 Điều kiện môi trường thích hợp cho cá phát dục tốt
– Nhiệt độ nước: 28 – 31 độ C.

– pH = 6,5 – 8.

– Oxy hòa tan 3 – 4mg/l.

– Nguồn nước phải đảm bảo sạch và chủ động cho việc cấp thoát.

2.2 Thời vụ và chuẩn bị ao nuôi vỗ
– Thời gian nuôi vỗ cá bố mẹ vào khoảng tháng 12 – 1 dương lịch.

– Ao nuôi vỗ có diện tích từ 500-1000 m2 hình chữ nhật hoặc hình vuông là thích hợp nhất. Mực nước sâu 1 – 1,2m. Cần phải cải tạo ao triệt để: lấp các hang, mọ trong ao, san bằng đáy ao. Bón vôi bột liều lượng 5 – 7kg/100 m2 ao, phơi đáy ao 3 – 5 ngày, lọc nước từ từ vào ao bằng túi vải.

2.3 Chọn, thả cá bố mẹ và chăm sóc
– Cá bố me phải khỏe mạnh, không bị dị hình, không bị nhiễm bệnh. Cá từ 1 tuổi trở lên và đạt trọng lượng trên 300g.

– Mật độ thả cá bố mẹ ở ao từ 0,2 – 0,3kg/m2. Tỷ lệ đực: cái là 1:1.

– Cho cá ăn bằng thức ăn tươi sống: cá tươi, ốc, tép…cắt vừa miệng cá. Khẩu phần ăn bằng 3-5% trọng lượng cá trong ao nuôi. Cho cá ăn 2 lần/ngày. Có thể thả thêm cá hường, cá trôi , cá bảy màu để làm mồi cho cá bố mẹ.

– Nên cho cá ăn bằng sàn được đặt cố định trong ao để tiện việc theo dõi sức ăn của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày.

– Nếu có điều kiện thay nước hàng ngày rất tốt cho cá, nếu không có điều kiện thì định kỳ thay nước 1 lần/tuần. Lượng nước thay từ 25 – 30% nước trong ao.

2.4 Kiểm tra độ thành thục của cá
– Cá đực khi thành thục ta vuốt nhẹ vào gai sinh dục sẽ có sẹ trắng đục như sữa chảy ra.

– Cá cái khi thành thục ta dùng que thăm trứng, thấy trứng đều, hơi rời, kích thước trứng 0,5 – 0,6mm là cá sẵn sàng sinh sản.

2.5 Cho cá sinh sản
– Cá nuôi trong ao thường sinh sản tập trung vào con nước rong hàng tháng.

– Trứng cá bống tượng là loài trứng dính nên ta phải làm tổ cho cá đẻ: gạch tàu, ngói, ống bọng… đặt cách mặt đất 20 – 30cm và nghiêng 45 độ so với đáy ao. Số lượng tổ bằng 1/3 số lượng cá cái trong ao. Hàng ngày kiểm tra giá thể 1 – 2 lần để vớt trứng.

– Để cho cá đẻ đồng loạt trong ao nhằm thu hoạch được nhiều trứng ta phải dùng kích dục tố để tiêm cho cá với liều lượng như sau:
+ 1 – 2mg não thùy/1kg cá cái. Hoặc 250 – 300UI HCG/1kg cá cái.
+ Cá đực dùng liều bằng 1/2 lần cá cái.

– Sau khi tiêm kích dục tố, thả cá vào ao đã đặt tổ đẻ, kết hợp với việc thay nước để kích thích cá đẻ. Thông thường sau khi tiêm 10 – 12 giờ là cá đẻ. Cần lấp chặt các hang trong ao để tránh cá vào hang đẻ trứng.

2.6 Cách ấp trứng
– Dụng cụ ấp: bể nhựa, thủy tinh, xi măng, bể vòng, bình vây…..

– Dụng cụ ấp phải được rửa sạch và sát trùng bằng vôi hoặc chlorine, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

– Nước dùng để ấp phải trong, sạch, không có mầm bệnh và lọc qua vải dầy hoặc lưới phiêu sinh.

– Môi trường ấp trứng nhiệt độ thích hợp 28 – 30 độ C, oxy hòa tan ≥ 3 mg/l, pH giao động từ 7 – 7,5 và không có sinh vật hại trứng.

– Mật độ ấp 1.000.000 – 1.500.000 trứng/m3 nước. Ấp trứng theo phương pháp nước tĩnh có sục khí là tốt nhất.

– Mỗi ngày thay nước 2 lần, mỗi lần thay 50 – 80% lượng nước và lấy các giá thể ra khi trứng đã nở trên 90% và rút cá bột sang các bể khác để chăm sóc.

– Thời gian nở của trứng từ 34 – 82 giờ tùy thuộc vào nhiệt độ của nước và phương pháp ấp.

– Cá sau khi nở 2 – 6 ngày được đưa sang bể ương.

2.7 Kỹ thuật ương cá giai đoạn cá bột lên cá giống
a) Ương trong ao đất
* Kỹ thuật ương cá giai đoạn từ cá bột lên cá hương 1,5 – 2cm:
– Chuẩn bị ao:
+ Ao ương có diện tích 200 – 500 m2, mức nước sâu 0,8 – 1,0m. Trước khi ương cá ao được cải tạo triệt để: vét sạch bùn đáy, lấp các hang, mọi, dọn sạch cây cỏ, tu sửa bờ bao.
+ Đáy ao được trang bằng, thấp dần về cống thoát. Bón vôi 7 – 10kg/100 m2, phơi nắng ao từ 2 – 5 ngày.
+ Lấy nước vào ao phải qua lưới lọc.

ca bong tuong huong

– Mật độ thả: 200 – 300 con/m2. Nên thả vào lúc vừa hết noãn hoàng (3 ngày tuổi). Thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát.

– Chăm sóc và ương: Cá sau khi thả phải cho ăn ngay:
+ 25 ngày đầu cho ăn 5 lòng đỏ trứng và 0,5kg bột đậu nành/100m2 ao trong ngày. Cho ăn ngày 4 lần.
+ Cá sau 20 ngày tuổi có thể ăn thêm phù du động vật lớn như: trứng nước, luân trùng,…có thể gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao bằng bột đậu nành (2,5g/1m3 nước mỗi ngày).
+ Từ ngày 26 – 40: cho ăn trùn chỉ, cá, tép, ốc xoay nhuyễn. Lượng thức ăn trong ngày 0,5 – 1,5kg/ngày/100 m2, ao đến khi cá đạt 2 – 3 cm chiều dài.
+ Đặt gần sát đáy ao một số ống nhỏ làm bằng tre, nhựa, sành để cá chui vào trú ẩn. Khi kiểm tra thì bịt 2 đầu ống đưa lên.

* Kỹ thuật ương cá giai đoạn từ cá hương thành cá giống 8 – 10cm:
– Để có cá 8 – 10 cm cần tiếp tục ương cá từ 3,5 – 4 tháng. Mật độ: 75 – 150 con/m2. Kỹ thuật ương và chuản bị ao như phần ương cá bột lên cá hương.

– Thức ăn là: cá, tép, ốc, lồng gà, vịt, heo,…băm nhỏ, dùng sàn cho cá ăn.

– Ngày cho ăn 2 lần. Thức ăn được đặt vào sàn cố định. Khẩu phần ăn: tháng thứ nhất 10%, tháng thứ hai 8%, tháng thứ ba còn 5 – 6% so với trọng lượng cá. Thường xuyên kiểm tra sàn ăn và tốc độ tăng trưởng của cá nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp.

– Công thức tính lượng thức ăn: Lượng thức ăn = (Tổng trọng lượng cá trong ao x Hệ số)/100.
(Trong đó: Hệ số là tỉ lệ phần trăm thức ăn so với tổng khối lượng cá nuôi).

– Nước trong ao cần được thay thường xuyên, tối thiểu 1 tuần thay 2 lần nước. Khi cá đạt 8 – 10 cm ta có thể bán giống hoặc tiếp tục nuôi lên cá lứa.

* Kỹ thuật nuôi cá lứa giai đoạn từ 60 – 100g/con: Sau khi cá đạt 8 – 10 cm ta tiến hành nuôi cá lứa (60 – 100 g/con)
– Cấp thêm nước vào ao ương đến khi đạt 1 – 1,2 m.

– Mật đọ thả 2 – 5 con/m2.

– Thức ăn: Cá tươi sống hoặc ốc, tép băm nhỏ cho vào sàn ăn, khẩu phần ngày 3 – 4%.

– Cá nuôi được 2 tháng cho cá trôi, hường, bảy màu ( cỡ 1 – 2cm) vào làm thức ăn trực tiếp. Cứ 7 – 10 ngày thả thức ăn 1 đợt 10% trọng lượng cá.

– Cần thay nước ao thường xuyên theo thủy triều, ít nhất 2 lần/tuần ( bơm nước). Sau 5 – 6 tháng ương cá đạt cỡ 60 – 70g/con, chuyển sang nuôi cá thịt.

b) Ương cá bột thành cá giống trên bể xi măng, bể đát lót bạt:
* Kỹ thuật ương cá giai đoạn từ cábột lên cá hương:
– Bể ương phải rửa sạch và tẩy trùng bằng chlorine, mực nước trong bể 0,6 – 0,8m, nước vào bể được lắng cặn, lọc kỹ, có lưới che mặt bể nhằm ngăn bọ gạo nhảy vào. Nước được lọc qua lưới phiêu sinh động vật.

– Mật độ ương: 1.000 – 1.500 con/m2.

– Thức ăn: sử dụng thức ăn như ương cá trong ao đất.

– Khẩu phần ăn:
+ 2 tuần đầu cho ăn 50g lòng đỏ trứng + 50g bột đậu nành cho 10.000 cá/ngày.
+ Tuần thứ 3: 10 lòng đỏ trứng + 10 bột đậu nành cho 10.000 cá/ngày. Đồng thời cho ăn trứng nước 50g/10m3 nước.
+ Tuần thứ 4: trứng nước 100g/10m3 nước/ngày và cho ăn thêm trùng chỉ 100g/10.000 cá/ngày.
+ Hằng ngày xi phong nước dưới đáy bể, loại chất thải, chất căn, thay 20% nước mỗi ngày. Sục khí liên tục suốt quá trình ương.

* Kỹ thuật ương cá giai đoạn từ cá hương lên cá giống:
– Mật độ ương 75 – 150 con/m2.

– Thức ăn: cá xay, trùng chỉ
+ Tháng đầu cho ăn 10% trọng lượng thân cá/ngày, trong đó cá xay 30%, trùng chỉ 70%.
+ Tháng thứ hai cho ăn 8-9% trọng lượng thân cá/ngày trong đó cá xay 50%, trùng chỉ 50%.
+ Tháng thứ ba cho ăn 6 – 7% trọng lượng thân cá / ngày trong đó cá xay 70%, trùng chỉ 30%.
+Tháng thứ tư cho ăn 5% trọng lượng thân cá/ngày trong đó cá xay 85%, trùng chỉ 15%.

– Hàng ngày thay nước và xi phong đáy bẻ để loại bỏ chất cặn, chất thảy trong nước. Lượng nước thay 20 – 30%. Sục khí vào ban đêm. Thường xuyên theo dõi và điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày cho phù hợp.

* Lưu ý: Ương cá ở ao và ở bể thay nước hàng ngay 10 – 20%, có sục khí, nếu không có sục khí phải giảm mật độ ương xuống còn 50 – 100 con/m2. Cần có lưới bao để loại các địch hại gây hại cá ương. Cần theo dõi hoạt động của cá mà có biện pháp xử lý kịp thời.

III. Kỹ thuật nuôi cá trong ao đất
3.1 Chọn ao nuôi
– Diện tích ao nuôi 500 – 1.000 m2, thích hợp 200 – 300 m2.

– Mực nước ao nuôi 1,5 – 1,8 m.

– Phải gần sông, gạch tiện lợi cho việc cấp thoát nước.

– Đất phải giữ được nước, không có phèn tiềm tàng.

– Đê bao phải vững chắc, không rò rĩ nước và cao hơn mực nước lũ cao nhất trong năm ít nhất 0,5m.

– Ao nuôi nên có cống cấp và cống thoát riêng để tiện trao đổi nước. Cống có thể làm bằng các vật liệu như: nhựa PVC, xi măng hoặc sành…tốt nhất là bằng nhựa PVC.

– Nên có thêm ao lắng nước trước khi cấp vào ao nuôi.

– Gần nhà tiện việc chăm sóc và quản lý.

3.2 Cải tạo ao
– Vệ sinh cỏ rác xung quanh bờ ao.

– Tát cạn nước, bắt hét cá dữ, cá tạp và các loài địch hại khác có thể gây nguy hiểm cho cá nuôi.

– Sên vét bùn đáy ao, chỉ chừa lại 1 lớp khoảng 10cm, lắp chặt các hang, mọi.

– Bón vôi (CaO) tiêu độc cho ao nuôi với liều lượng 7 – 10 kg/100m2, rãi khắp đáy ao và mái bờ ao.

– Nếu có điều kiện nên phơi đáy ao từ 3 – 5 ngày.

3.3 Thả giống
– Chọn cá giống: cá phải có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không thương tật, dị hình, không bị chích điện, mắc câu, mắc lưới…

– Lật ngửa cá lên thì thấy cá phồng mang, đuôi xòe. Cá đang ở trong nước thì nằm sát đáy.

– Kích thước cá khoảng 50 – 100g/con.

– Mật độ thả: 2 – 4 con/m2.

– Thời gian thả: nên thả cá giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

– Cá trước khi thả vào ao tắm bằng nước muối 20 – 30g/lít từ 10 – 15 phút.

– Chọn giống cá bống tượng tốt để nuôi có ý nghĩa rất quan trọng cho thành công nuôi cá, nếu còn cá yếu, cá bệnh sẽ lây lan cả đàn cá nuôi. Khi đem cá Bống tượng về, không nên thả thẳng vào nơi nuôi mà tiếp tuyển chọn lần cuối: Cho cá vào một phạm vi nhỏ một góc ao mương, thời gian 10 – 15 ngày, cho cá ăn đủ, kiểm tra cá khỏe, tốt thì thả nuôi chung với nhau.

3.4 Cho cá ăn
– Sử dụng thức ăn tươi sống như: cá biển, cá tạp, ốc bươu vàng…, Cắt vừa cõ miệng cá. Không sử dụng thức ăn ương thối.

– Tỷ lệ thức ăn hàng ngày từ 3 – 5% trọng lượng đàn cá (tùy theo kích cỡ cá nuôi).

– Để tăng cường sức đề kháng cho cá nên phối trộn thêm vitamin C với liều lượng 20-30mg/kg thức ăn.

– Mỗi ngày cho ăn 2 – 3 lần (sáng, chiều và tối). Cá Bống tượng có tập tính rình bắt mồi, ăn mạnh về đêm hơn ngày nên buổi sáng chỉ cho ăm 1/3 khẩu phần thức ăn, buổi chiều cho ăn 2/3 khẩu phần thức ăn còn lại trong ngày.

– Trong ao có thể thả thêm cá trôi, cá hường, cá bảy màu để làm thức ăn bổ sung cho cá nuôi.

– Thức ăn nên cho vào sàn ăn, sau khi cho ăn 1 giờ thì tiến hành kiểm tra để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

– Sàn ăn được đặt cách mặt nước 60 – 80cm.

– Ao nuôi 200 m2 nên đặt 4 – 5 sàn ăn.

3.5 Chăm sóc và quản lý ao nuôi
– Thay nước ao nuôi tùy theo chất lượng nước. Định kỳ thay nước ao nuôi 3-4 lần/ tháng.Lượng nước thay mỗi lần không quá 30% lượng nước trong ao. Đồng thời xử lý vôi nông nghiệp với liều lượng 2 – 4 kg/ 100 m2 (khi dùng nước thay trực tiếp).

– Thường xuyên kiểm tra cống, bọng, bờ bao tránh rò rĩ nước ra ngoài.

– Hàng ngày theo dõi hoạt động và khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp đồng thời phát hiện bệnh kịp thời.

– Định kỳ kiểm tra các yếu tố thủy lý hóa môi trường: nhiệt độ, pH, oxy…để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

– Theo dõi tốc độ tăng trưởng để điều chỉnh khẩu phần ăn cho hợp lý.

3.6 Thu hoạch
Sau 10 tháng nuôi cá có thể đạt từ 400 – 600g/con thì tiến hành thu hoạch, tỷ lệ sống có thể đạt khoảng 60%. Cá bống tượng thường lặn sâu vào đáy bùn có khi đến 1m. Cần tát cạn vào chiều mát, mò bắt sơ bộ cá có ở ao, sau đó dùng chuối cây trang đáy ao bằng, cho nước vào 5cm, nửa đêm và gần sáng cá ngoi lên nằm ở mặt bùn, dùng đèn soi bắt. Có nơi còn dùng dòng nước chảy bắt cá vào đêm.

VI. Một số bệnh thường gặp và cách phòng trị
4.1 Cách phòng bệnh
– Trong quá trình nuôi cá bống tượng cũng như các loại thủy sản khác, biện pháp phòng bệnh là hữu hiệu nhất, còn chữu bệnh ít hiệu quả.

– Tăng cường sức khỏe cho cá:
+ Chất lượng con giống tốt, cá khỏa mạnh, không mang mầm bệnh.
+ Thức ăn đảm bảo chất lượng, cho ăn đầy đủ.

– Hạn chế mầm bệnh xâm nhập và phát triển trong quá trình ương nuôi:
+ Cải tạo ao nuôi tốt đầu vụ.
+ Không cho ăn quá dư thừa.

– Quản lý tốt môi trường ương nuôi, tránh gây sốc cá nuôi.

4.2 Một số bệnh thường gặp
a) Bệnh ký sinh do trùng mỏ neo – Lernaea:
– Nguyên nhân: Do trùng mỏ neo – Lernaea ký sinh trên da, vây, mang cá.

– Triệu trứng: Trùng ký sinh trên da, vây, mang cá. Làm cá kém ăn, ngứa ngáy, gầy yếu các tổ chức xung quanh trùng bám gây viêm và xuất huyết tạo vết thương sưng đỏ tạo điều kiện cho nấm, ký sinh trùng và vi khuẩn bám và ký sinh làm cho cá bị nặng thêm đẫn đến cá chết. Trùng mỏ neo có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi ký sinh trên cá.

– Cách phòng:
+ Cần giữ môi trường luôn sạch.
+ Mật độ cá nuôi không quá dày.

– Cách diều trị bệnh:
+ Dùng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 5 – 10g/m3 trong thời gian 15 – 30 phút.
+ Dùng lá xoan liều lượng 0,3 – 0,5kg/m3. Lá xoan có thể bó thành từng lá nhỏ bỏ xuống ao cá bệnh.

b)Bệnh đốm đỏ:
– Nguyên nhân: Bệnh gây ra do một số vi khuẩn như: Aeromonas hydrophilaPseudomonas sp.

– Điều kiện xuất hiện và triệu chứng:
+ Bệnh thường xuất hiện vào lúc giao mùa, trong trường hợp cá bị sốc và trong nước có hàm lượng hữu cơ cao.
+ Cá bơi lờ đờ trên mặt nước. Trên thân xuất hiện những điểm xuất huyết nhỏ li ti, bệnh nặng các gốc vi xuất huyết, bụng cá trương to, trong xoang bụng chứa dịch màu hồng hoặc vàng, cá ít ăn hoặc bỏ ăn.

– Cách phòng bệnh:
+ Ao nuôi phải được cải tạo tốt trước khi thả cá.
+ Vận chuyển đánh bắt nhẹ nhàng tránh làm cá xây xát.
+ Dùng nước muối tắm cá giống trước khi thả nuôi.

– Cách điều trị bệnh:
+ Thay ½ lượng nước trong ao 2 ngày 1 lần, bón thêm vôi với liều lượng 4 – 6kg/100m3 nước.
+ Trộn thuốc vào thức ăn với liều lượng:
. Oxytetracyline 2g.
. Vitamin C 3g cho 100 kg cá bệnh.
+ Cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.

c) Bệnh trắng da (bệnh tuột nhớt):
– Nguyên nhân: Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Flexibacter columnaris.

– Điều kiện xuất hiện và triệu chứng:
+ Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát hoặc bị sốc do đánh bắt vận chuyển.
+ Khắp da cá có một lớp nhớt dầy bao phủ, cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Trên thân từng vùng bị rắng. Bệnh nặng các vết loét ăn sâu vào cơ, trên vết loét có nấm ký sinh dễ nhầm với bệnh do nấm thủy my. Vây cá rách xơ xát hoặc đứt cụt. Bệnh nặng cá chết chìm dưới đáy.

– Cách điều trị bệnh:
+ Trộn 5g Oxytetracyline vào thức ăn cho 100kg cá bệnh. Cho cá ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.
+ Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh (Oxytetracyline) khi thật sự cần thiết và phải ngưng sử dụng 4 tuần trước khi thu hoạch.

Kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong ao đất, Nguồn: Liên Trạm Thủy sản Phong Điền – Cái Răng- CCTS Cần Thơ.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *