Khi nông dân liên kết sản xuất

Khóm Tắc Năm Căn, thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau có 19 thành viên tham gia vào tổ hợp tác (THT) ươm cua giống mẹ, ngoài ra còn hơn 40 hộ nuôi riêng lẻ. Đây là nghề ban đầu người dân tự phát chia sẻ kinh nghiệm và truyền nghề với nhau, sau đó được chính quyền địa phương tập hợp thành lập THT, hỗ trợ bà con về kỹ thuật, vốn, từ đó nghề ươm cua giống phát triển mạnh.

Anh Trương Văn Khiêm ở khóm Tắc Năm Căn, người có kinh nghiệm ươm cua mẹ trên 10 năm, chia sẻ: “Nghề ươm cua không bao giờ lỗ vốn, lời ít hay nhiều mà thôi, trung bình nếu mua 10 triệu đồng tiền cua mẹ giống sẽ thu về tương đương 20 triệu đồng. Cách ươm khá đơn giản, cua gạch sau khi mua về, cột mắt, cho ăn, xử lý nước nuôi từ 10 – 12 ngày thì bán lại cho các trại sản xuất giống”.

Anh Trương Văn Khiêm, khóm Tắc Năm Căn, thị trấn Năm Căn giới thiệu cách chọn cua mẹ để ươm trứng.

Vài năm trở lại đây nuôi tôm gặp nhiều rủi ro nên đôi lúc nghề nuôi cua trở thành thu nhập chính cho người nông dân. Từ đó, nghề ươm cua mẹ cũng phát triển mạnh. Từ nghề này, giải quyết được một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở địa phương, có nhiều hộ thoát được nghèo. Bình quân mỗi hộ dân trong khóm làm nghề ươm cua mẹ thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/năm.

Ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng lại có nghề dèo cua giống. Hiện ấp đã thành lập được ba tổ sản xuất dèo cua giống với 44 hộ tham gia và còn nhiều hộ dèo cua tự phát, mỗi hộ có ít nhất từ 15 hầm dèo, có hộ lên đến 60 hầm. Dèo cua giống cũng được người dân truyền nghề với nhau và được địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn thêm kỹ thuật. Mỗi hộ dèo cua với hai hoặc ba lao động trong gia đình, có thể thu về lợi nhuận từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.

Anh Đoàn Văn Tuyên, Tổ trưởng THT sản xuất ươm dèo cua ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, cho biết, mỗi hầm dèo chỉ cần khoảng 8m2, trải cao su và bơm nước xử lý cho sạch là thả giống. Dèo khoảng bảy ngày có thể bán cho nông dân nuôi hay giao cho thương lái.

Mỗi năm THT sản xuất ươm dèo cua ấp Cái Trăng bán ra từ 5 – 10 triệu con. Với nguồn giống này không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi cua của nông dân trong huyện, mà còn bán sang các huyện lân cận và các tỉnh trong vùng.

Ông Trương Quốc Duẩn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, nhận định: “Việc phát triển con cua Năm Căn đang đi đúng hướng. Điều đáng mừng là nông dân đã liên kết sản xuất từ các khâu đầu vào đến đầu ra, đây cũng là một trong những lộ trình giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được bước đầu. Tuy nhiên, ngành phải là điểm tựa giúp nông dân chủ động trong liên kết sản xuất. Hướng tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ hướng dẫn các THT, HTX phải có kế hoạch sản xuất cụ thể. Ngoài con cua, chúng tôi sẽ triển khai mở rộng các mặt hàng khác mà địa phương đang có ưu thế, làm sao để người dân sản xuất ngày càng hiệu quả hơn”.

Năm Căn có ba mặt giáp biển, các ngã sông đều thông ra biển nên lượng phù sa bồi lấp quanh năm, được thiên nhiên ban tặng nguồn lợi thuỷ sản phong phú, có nhiều đặc sản mang hương vị riêng như đặc sản cua Năm Căn. Điều đáng mừng là quy trình sản xuất cua của nông dân khá vững chắc, cùng sự hỗ trợ của ngành chuyên môn từ khâu xây dựng nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn Cà Mau, hỗ trợ các THT sản xuất theo đúng quy trình, kỹ thuật và về nguồn vốn, tin tưởng rằng đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của huyện Năm Căn sẽ mang lại hiệu quả cao./.

Khi nông dân liên kết sản xuất, Nguồn: Báo Cà Mau – Kim Hậu

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *