Hộ nuôi cá tra dần biến mất

Theo báo cáo nghề nuôi cá tra của một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tình hình nuôi cá tra của các nông hộ đang ngày càng khó khăn, diện tích nuôi thu hẹp dần, trong khi đầu ra rất bấp bênh và không thể tự quyết định.

Mất đối xứng diện tích nuôi

Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp hiện 1.939 ha nuôi cá tra; trong đó, vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm hơn 66% và diện tích cá tra gia công cho doanh nghiệp chiếm 11%, chỉ còn 23% diện tích của các hộ nuôi cá tra độc lập. Tại An Giang, diện tích nuôi cá tra cả tỉnh 820 – 830 ha; trong đó, vùng nuôi của doanh nghiệp trên 600 ha, chiếm hơn 70%. Tại Tiền Giang, tổng diện tích nuôi cá tra hơn 122 ha; trong đó, 57,9 ha là vùng nuôi của doanh nghiệp và 64,2 ha là của hộ nuôi; không ít ao nuôi của hộ dân đang tạm “treo”.

Về sự thay đổi cơ cấu nghề nuôi cá tra vùng ĐBSCL, theo kết quả điều tra của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, năm 2012, các hộ nuôi cá tra thả nuôi 1.748 ha (chiếm 48,7% tổng diện tích nuôi), doanh nghiệp nuôi 1.761 ha (chiếm 49,1%), còn lại 2,2% là của hợp tác xã. Năm 2013, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tỷ trọng diện tích nuôi cá tra của hộ nuôi chỉ còn 35,5%; trong khi của doanh nghiệp lên 59,9%, của hợp tác xã 4,6%. Thậm chí, theo kết quả đăng ký nuôi cá tra theo Nghị định 36/NĐ-CP đến ngày 18/7/2015 của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, diện tích đăng ký nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL 1.225 ha, trong đó riêng doanh nghiệp đăng ký nuôi 1.080 ha (chiếm 88,1%); hộ nuôi cá tra chỉ đăng ký nuôi 145 ha (chiếm 11,9 %).

Nông hộ luôn chịu thiệt

Thời gian tới, xu hướng khép kín sản xuất tiếp tục được các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu chú trọng. Các tổ chức này đang dần hoàn thiện, hình thành dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu và chế biến phụ phẩm (bột cá, dầu cá, collagen…) nhằm đem lại lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp. Hơn nữa, khi doanh nghiệp chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu thì khi thị trường tiêu thụ thu hẹp đương nhiên phải ưu tiên thu hoạch cá của doanh nghiệp, việc không tiêu thụ hay ép giá cá tra nguyên liệu của nông dân là không tránh khỏi. Đây cũng là lý do chính khiến cơ cấu sản xuất cá tra đang ngày càng thay đổi lớn.

Sự phát triển chuỗi ngành hàng cá tra theo hướng khép kín như hiện nay được Hiệp hội Cá tra Việt Nam gọi là “sự phát triển ngược trong chuỗi”; bởi, thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, cạnh tranh ở nước ngoài các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đua nhau mở rộng vùng nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn cá, gia tăng cạnh tranh trong nước. Những diễn biến này đã dẫn đến thu hẹp thị trường ở nước ngoài, gia tăng cạnh tranh trong nước, suy giảm lợi nhuận toàn chuỗi ngành hàng cá tra.

Các chuyên gia ngành cá tra cho biết, hiện mối liên kết sản xuất giữa hộ nuôi cá tra với doanh nghiệp chế biến cũng rất lỏng lẻo, nhiều bất cập. Gần đây doanh nghiệp không ký hợp đồng đầu vụ với hộ nuôi mà chỉ ký hợp đồng nguyên tắc mang tính tham khảo, đến khi mua cá của hộ nuôi, doanh nghiệp mới ký hợp đồng với giá cụ thể. Tuy nhiên, hợp đồng này được ký mơ hồ, khi có tranh chấp xảy ra thì không có tính pháp lý và thường gây bất lợi cho người dân.

Ông Trần Thanh Hồng Hải có ao nuôi cá tra 8.000 m2 ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy cho biết, năm 2013, ông nuôi gia công cho một công ty chế biến cá tra xuất khẩu, theo đó công ty sẽ cung cấp thức ăn theo hệ số 1,6 và sau thu hoạch công ty sẽ bắt toàn bộ cá với mức khoán chi phí con giống, thuốc, nhân công, tiền thuê ao 5.000 đồng/kg cá. Sau khi thu hoạch, tính ra còn lãi 2.500 đồng/kg cá nhưng hơn 1 năm sau ông mới được nhận đủ tiền bán cá.

>> Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, để nuôi 1 ha cá tra, cần vốn đầu tư cả chục tỷ đồng, nên khi giá cá tra rẻ hơn giá thành sản xuất, thị trường tiêu thụ bấp bênh thì các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ không đủ sức cầm cự, buộc phải “treo ao”, bỏ nghề, làm thuê trên chính ao nuôi cá của mình hay nuôi gia công cho doanh nghiệp.

Hộ nuôi cá tra dần biến mất, Nguồn tin: Thành Công – Tạp chí thủy sản (Thủy sản Việt Nam)

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *