Hiệu quả từ mô hình nuôi Ếch

Thời gian qua, đã có không ít hộ nông dân trên địa bàn Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh thoát nghèo và có thu nhập khá, thậm chí vươn lên làm giàu nhờ phát triển các mô hình nuôi thủy sản.

– Nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn gia tăng, nhiều mô hình nuôi ếch trên địa bàn đã đi vào hoạt động và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và nâng cao thu nhập cho nông dân. Anh Lê Hùng Tráng ở ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ là một trong số những hộ áp dụng hiệu quả việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm ếch. Năm 2010, thấy nhiều hộ nuôi ếch trong vèo đem lại hiệu quả kinh tế, anh quyết định nuôi ếch. Khởi nghiệp với 3.000 con ếch nuôi thương phẩm, nuôi khoảng 3 tháng anh thu được 400 kg ếch thịt, bán thu được 12,8 triệu, lãi được 2,8 triệu đồng. Thấy ếch là đối tượng dễ nuôi, vốn đầu tư ít, thời gian ngắn nên anh quyết định nhân rộng mô hình. Hiện tại, anh nuôi 40 vèo ếch thịt, sản lượng 32 tấn/năm thu lãi 128 triệu/năm (giá 29.000 đ/kg), không những thế anh tận dụng diện tích mương vườn của gia đình làm trại sản xuất ếch giống vừa tạo nguồn ếch giống cho nhà vừa cung cấp cho các hộ dân quanh vùng có nhu cầu nuôi ếch. Hàng năm anh cho ra lò gần 500.000 con ếch giống cung cấp cho thị trường với giá bình quân 1.000 đ/con trừ chi phí anh thu về 100 triệu đồng/năm. Để tận dụng nguồn phụ phẩm trong nuôi ếch, anh nuôi 15.000 con cá tra trong ao nuôi (ngoài vèo nuôi ếch). Bình quân sau 5 tháng nuôi ếch, cá tra đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg một con và dự kiến sau 4 lứa ếch thịt sẽ thu hoạch một đợt cá tra. Như vậy, hàng năm anh cũng có nguồn thu nhập vài chục triệu đồng từ cá tra vì chỉ tốn tiền cá giống chứ không cần phải mua thức ăn cho cá. Trên địa bàn không ít những nông dân ăn nên làm ra như anh Tráng nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng có hiệu quả tuy nhiên cũng không ít trường hợp chạy theo số đông mà không có sự tính toán kỹ, cung vượt cầu dẫn đến thua lỗ.

– Phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả cao là một việc làm cần thiết nhằm giúp các hộ nông dân tăng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống. Chi phí nuôi trồng ngày càng tăng cao và đầu ra sản phẩm bấp bênh đang trở thành khó khăn lớn đối với việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản. Thời gian qua, đã có không ít người nuôi cá tra, cá rô đầu vuông… bị lỗ nặng hoặc có lợi nhuận ngày càng ít do giá bán sản phẩm đầu ra bấp bênh và chưa tương xứng với các chi phí đầu vào. Ngoài ra, hiệu quả sản xuất còn giảm bởi tình trạng thiếu con giống đảm bảo chất lượng, môi trường nước bị ô nhiễm và sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại bệnh và dịch hại… Để giải quyết các khó khăn này, nhà nông rất cần sự trợ lực của các ngành chức năng trong việc tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo chất lượng con giống và bình ổn giá thức ăn và các loại vật tư đầu vào. Đồng thời, tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm thông qua việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác… nhằm gắn kết chặt giữa sản xuất và tiêu thụ.

Hiệu quả từ mô hình nuôi ếch, Nguồn: Liên trạm thủy sản Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh (08/4/2014).

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *