Định hướng bảo tồn Rùa biển ở Việt Nam

Định hướng bảo tồn Rùa biển ở Việt Nam, Nguồn: Tổng cục Thủy sản (Fistenet.gov.vn).

Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và vùng bờ. Rùa biển (đặc biệt là rùa biển xanh) là một trong số ít các loài động vật ăn cỏ biển mọc ở các vùng đáy biển. Cỏ biển không được để mọc quá dài bởi đây là khu vực sinh sống cần thiết của nhiều loài cá và sinh vật biển. Song, thảm cỏ biển mất đi cũng sẽ gây ra phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều loài sinh vật biển và con người. Do đó, rùa biển góp phần quan trọng trong việc giữ cân bằng môi trường biển.

1. Tổng quan
– Rùa biển cũng là loài bò sát có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người. Chúng là loại thực phẩm giàu protein, mai và yếm rùa biển được sử dụng làm đồ trang trí, sản xuất đồ gia dụng. Với tầm quan trọng đó, nhiều khu vực đã nghiêm cấm săn bắt rùa biển, thay vào đó là xây dựng các khu bảo tồn nhằm phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững.

– Rùa biển là loài bò sát di cư, sống lâu năm, phát triển chậm và đạt đến tuổi trưởng thành trong khoảng từ 15 đến 50 năm (tùy thuộc vào từng loài và khu vực phân bố). Vòng đời của rùa biển phụ thuộc nhiều vào sinh cảnh (đất liền, ven bờ, đại dương) nên khoảng cách giữa các thế hệ thường thưa, khiến việc quản lý loài này càng trở nên khó khăn.

– Trên thế giới hiện nay ghi nhận 7 loài rùa biển, trong đó hầu hết đều bị xếp vào nhóm các loài bị đe dọa. Có rất ít quần thể rùa không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khai thác có chủ ý hoặc đánh bắt không chủ ý. Hơn nữa, nơi sinh sống bị thu hẹp, dịch bệnh và nhiều nguyên nhân khác đang đe dọa nghiêm trọng tới sự tồn tại và phát triển của rùa biển, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á. Tại Việt Nam, rùa biển đã bị khai thác (làm thức ăn, đồ trang sức) tràn lan, các loại tàu thuyền đánh bắt bằng lưới kéo, lưới rê, lưới vây khiến ngư trường cạn kiệt, môi trường sinh thái biển bị ô nhiễm, hủy hoại nơi cư trú của rùa biển, đặc biệt là các thảm cỏ biển, rạn san hô. Ngoài ra, sự xuất hiện của con người trên các đảo (chất thải, tiếng ồn, ánh sáng…) cũng góp phần khiến các quần thể rùa biển bị suy kiệt. Các tác nhân khách quan khác có thể kể đến là xói mòn bờ biển, sạt lở bãi đẻ do sự tàn phá thiên tai như bão lũ, dòng chảy, quá trình đô thị hóa…

– Với bờ biển dài hơn 3.200 km và vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, gồm hơn 3.000 hòn đảo gần bờ và xa bờ, vùng biển Việt Nam sở hữu một hệ sinh thái đa dạng, từ rừng ngập mặn tới đầm, phá, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi cát… Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học nói chung, trong đó có bảo tồn rùa biển nói riêng đã được đề cập đến từ lâu. Không chỉ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Việt Nam còn chủ động, tích cực tham gia các công ước quốc tế, biên bản thỏa thuận liên quan đến bảo tồn và quản lý rùa biển. Việc bảo vệ rùa biển không chỉ tác động tích cực đến các loài rùa biển mà còn tác động tới các hệ sinh thái mà chúng phụ thuộc, đồng thời góp phần bảo vệ nơi sinh sống và đa dạng sinh học của các loài sống cùng sinh cảnh.

– Từ năm 2003, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch Hành động bảo tồn Rùa biển nhằm bảo vệ, bảo tồn và quản lý loài rùa biển cũng như nơi sinh sống của chúng. Mục tiêu chiến lược của Kế hoạch là giảm thiểu những tác động đối với rùa biển tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phục hồi của quần thể rùa biển trong tự nhiên; đồng thời hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn về những hoạt động bảo tồn rùa biển đang tiến hành tại Việt Nam, từ đó có thể tìm ra cách tham gia hiệu quả nhất.

2. Định hướng kế hoạch bảo tồn
Các lĩnh vực hoạt động ưu tiên nhằm bảo tồn rùa biển của Việt Nam bao gồm:
– Giảm thiểu các nguyên nhân gây tử vong cho rùa biển: Nhằm xác định được các mối đe dọa và biện pháp giảm tỷ lệ tử vong của rùa biển dọc theo toàn bộ bờ biển Việt Nam cũng như các đảo xa bờ, nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống của người dân địa phương không bị tác động lớn về kinh tế.

– Quản lý bãi đẻ và nơi ấp trứng: Tăng cường số lượng các loài rùa biển tới đẻ trứng tại các vùng biển của Việt Nam, đảm bảo an toàn rùa mẹ và nâng cao tỷ lệ ấp nở trứng tại các bãi đẻ đã được xác định.

– Bảo vệ, quản lý và phục hồi nơi sinh sống của rùa biển: Bảo vệ loài rùa biển và nơi sinh sống của chúng tốt hơn, trong khi đó vẫn đảm bảo cho cộng đồng địa phương không bị tác động bất lợi về kinh tế do các hoạt động bảo vệ sự sống còn của quần thể rùa biển ở Việt Nam.

– Nghiên cứu và Giám sát: Tăng cường sự hiểu biết về sinh học, sinh thái học và các quần thể rùa biển thông qua giám sát, trao đổi thông tin.

– Nâng cao nhận thức cộng đồng và giáo dục: Tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng về những mối đe dọa đối với rùa biển và nơi sinh sống của chúng, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn tại địa phương.

– Hợp tác khu vực và quốc tế: Tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn rùa biển nhằm hỗ trợ năng lực thực hiện các cam kết khu vực và quốc tế.

Hương Trà (tổng hợp).

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *